Bối cảnh Chiến_tranh_Hy_Lạp-Ý

Quan hệ Hy Lạp-Ý đầu thế kỷ 20

Kể từ khi nước Ý được thống nhất, người Ý đã mong mỏi trở thành một siêu cường và giành quyền bá chủ Địa Trung Hải. Sau đó, dưới chế độ phát xít, việc thiết lập nên một Đế quốc La Mã mới, bao gồm cả Hy Lạp, vẫn thường được Mussolini nhắc đến trong những tuyên bố của mình.

Ngay từ thập niên 1910, quyền lợi của Ý và Hy Lạp đã xung đột nhau tại AlbaniaDodecanese. Albania, nước láng giềng phía tây bắc của Hy Lạp, là nơi có thể thiết lập vững chắc một xứ bảo hộ của Ý. Cả Albania lẫn Hy Lạp đều đòi quyền tại vùng Bắc Epirus, nơi một số lớn dân cư Hy Lạp sinh sống[11]. Ngoài ra, Ý còn đang chiếm đóng các hòn đảo ở Dodecanese có đa số dân Hy Lạp cư trú nằm ở phía đông nam biển Aegea kể từ sau chiến tranh Ý-Thổ Nhĩ Kỳ năm 1912, và mặc dù hòa ước Venizelos-Tittoni năm 1919 có hứa hẹn sẽ trả lại cho họ, nhưng sau đó đã không được thực thi.[12] Mâu thuẫn giữa quân đội của hai quốc gia đã nổ ra trong việc chiếm cứ vùng Tiểu Á, và Ý đã giúp đỡ người Thỗ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến chống lại Hy Lạp. Sau đó, chính phủ Phát xít mới của Mussolini đã vin vào vụ ám sát một viên tướng Ý tại biên giới Hy Lạp-Albania để bắn phá và chiếm đóng Corfu, hòn đảo quan trọng nhất trong hệ thống các đảo Ionia. Các đảo này trước đây nằm dưới quyền cai trị của nước Cộng hòa Venezia cho đến cuối thế kỷ 18, và là một mục tiêu của chủ nghĩa bành trướng nước Ý. Sau đó là một thời gian bình thường hóa quan hệ, đặc biệt là trong nhiệm kỳ thủ tướng của Eleftherios Venizelos tại Hy Lạp (1928–1932), với việc ký kết một Hiệp ước Hữu nghị giữa hai quốc gia ngày 23 tháng 9 năm 1928.

Bên phía Hy Lạp, Venizelos đã nỗ lực rất nhiều nhằm bình thường hóa mối quan hệ của Hy Lạp với các nước láng giềng. Sau Hòa ước Hữu nghị Hy Lạp-Thổ năm 1930 và hiệp ước Balkan năm 1934, mối đe dọa từ phía đối thủ lâu đời của Hy Lạp là Thổ Nhĩ Kỳ đã bị xóa bỏ. Albania thì quá yếu kém để gây lo ngại còn vương quốc Nam Tư, dù vẫn thường gây sức ép về việc đòi chuyển giao một "vùng tự do" tại Thessaloniki, vẫn duy trì quan hệ khá tốt đẹp với Hy Lạp. Thêm vào đó, hai quốc gia lại có cùng một mối đe dọa từ chủ nghĩa xét lại của người Bulgaria. Khát vọng của Bulgaria nhằm giành lại vùng Tây Thrace là nguy cơ lớn từ bên ngoài đối với Hy Lạp trong những năm 1930. Do đó, khi Ioannis Metaxas lên nắm quyền vào năm 1936 (chế độ ngày 4 tháng 8), nhiều kế hoạch đã bắt đầu được xây dựng nhằm tái tổ chức các lực lượng vũ trang của đất nước và xây dựng một tuyến phòng thủ vững chắc dọc theo biên giới Hy Lạp-Bulgaria. Phòng tuyến này được xây dựng và đặt theo tên của nhà lãnh đạo: "phòng tuyến Metaxas". Trong những năm sau đó, quân đội đã thu hút nhiều khoản đầu tư lớn nhằm mục đích hiện đại hóa; được nâng cấp về công nghệ, được tái trang bị phần lớn và được cải thiện vượt bậc toàn diện so với tình trạng tồi tệ trước đó của nó. Chính phủ Hy Lạp mua vũ khí mới để trang bị cho 3 tập đoàn quân. Tuy nhiên, do nguy cơ chiến tranh ngày một tăng và thế chiến cuối cùng đã bùng nổ, nên những mặt hàng cần mua quan trọng nhất từ nước ngoài, tiến hành trong các năm 1938, 1939, đã không được chuyển giao hoặc chỉ giao một phần. Thay vào đó, một kế hoạch lớn đối phó được phát triển và một lượng lớn thực phẩm cùng vật dụng đã được dự trữ trong quân đội tại nhiều vùng của Hy Lạp để chuẩn bị cho trường hợp chiến tranh.

Các diễn biến ngoại giao và quân sự trong những năm 1939-1940

Quân Hy Lạp xây dựng chiến hào trên tuyến Elaia-Kalamas, tháng 3 năm 1939.

Ngày 7 tháng 4 năm 1939, quân đội Ý đã chiếm đóng Albania, qua đó thiết lập được đường biên giới trên bộ trực tiếp với Hy Lạp. Hành động này dẫn đến việc Anh và Pháp cùng lên tiếng đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Hy Lạp, còn đối với Hy Lạp, động thái này đã làm họ từ bỏ mọi kế hoạch trước đó, và bắt đầu gấp rút chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công của Ý. Khi chiến tranh bùng nổ tại Trung Âu, Metaxas đã cố gắng nhằm giữ cho Hy Lạp đứng ngoài cuộc xung đột, nhưng đến khi cuộc chiến lan rộng, ông ta ngày càng tỏ ra gần gũi hơn với Anh, với sự ủng hộ của quốc vương George II, một hậu thuẫn quan trọng của chế độ, và là người có quan hệ thân thiết với Anh. Điều này thật mỉa mai cho Metaxas, vì ông ta vốn là một người thân Đức, và đã xây dựng một mối quan hệ kinh tế vững mạnh với nước Đức của Hitler.

Cùng thời gian này, người Ý, đặc biệt là thống đốc Albania Francesco Jacomoni, đã bắt đầu kích động vấn đề dân tộc thiểu số Cham của Albania tại Epirus thuộc Hy Lạp nhằm tranh thủ sự ủng hộ của người Albania. Mặc dù vậy, nhiệt tình của người Albania với việc "giải phóng Chameria" vẫn im ắng, nhưng Jacomoni vẫn liên tục gửi những bản báo cáo rất lạc quan cho Roma về sự hỗ trợ từ phía Albania.[13] Tháng 6 năm 1940, thi thể không đầu của Daut Hoxha, một tên cướp người Albania, được tìm thấy gần làng Vrina.[14] Jacomoni đổ tội giết người cho những đặc vụ của Hy Lạp, và khi khả năng về một cuộc tấn công của Ý vào Hy Lạp đến gần, ông ta bắt đầu vũ trang cho những toán quân Albania không chính quy để sử dụng họ chống lại Hy Lạp.[13]

Ngay sau khi Trận chiến nước Pháp kết thúc, Mussolini liền hướng sự chú ý của mình vào Hy Lạp. Khi quyết định tấn công Hy Lạp, Mussolini xét đến nhiều vấn đề sau:[15]

  • Sau đóng góp không đáng kể của quân đội Ý vào thất bại của Pháp năm 1940, cần phải bù lại những áp lực đang tăng cao từ nước Đức Quốc xã của Hitler theo quy định của Hiệp ước Thép;
  • Theo nhu cầu quân sự, cần phải chinh phục một căn cứ như Hy Lạp và các đảo của nó để góp phần tăng cường sự hiện diện của Ý tại biển Aegea và Đông Địa Trung Hải;
  • Việc xây dựng được các sân bay và có được cảng Thessaloniki ở miền bắc Hy Lạp sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh tấn công của Ý tại Ai Cập;
  • Cuối cùng, Mussolini và Bộ trưởng Ngoại giao Ciano, do bị ảnh hưởng từ những sự thân thiện không có thật với các nhân vật có ảnh hưởng trong chính phủ Hy Lạp, đã tin rằng các tầng lớp chính trị tham nhũng sẽ ủng hộ việc Hy Lạp chuyển từ chỗ ủng hộ người Anh sang ủng hộ phe Phát xít, và họ sẽ hành động đúng lúc để tự lật đổ chính phủ.

Benito Mussolini đã tiết lộ với con rể là bá tước Ciano nhận xét của mình:

Hitler luôn đặt tôi vào cảnh sự đã rồi. Lần này tôi sẽ đáp trả ông ta tương tự. Ông ta sẽ được biết qua báo chí rằng tôi đã chiếm được Hy Lạp.
— [16]

Theo ghi chép ngày 3 tháng 7 năm 1940 trong nhật ký của Bá tước Galeazzo Ciano: "...Các tàu của Anh, có thể cả máy bay, đã được trú ẩn và tiếp liệu tại Hy Lạp. Mussolini đang nổi điên. Ông ta quyết định phải hành động" và đến ngày 11 tháng 8, quyết định về chiến tranh đã được đưa ra: "Mussolini tiếp tục nói về một cuộc tấn công chớp nhoáng tại Hy Lạp vào khoảng cuối tháng 9"[17]. Trong khi đó, kế hoạch ban đầu nhằm tấn công Nam Tư của Ý đã bị xếp vào tủ, do sự phản đối từ phía Đức và tình trạng thiếu phương tiện vận tải cần thiết.[18]

Ngày 12 tháng 10 năm 1940 Đức chiếm đóng các mỏ dầu của Romania. Mussolini không được báo cho biết trước về việc này, và nó làm cho ông ta nổi giận. Ông ta coi đây là một sự bành trướng của Đức tại đông nam châu Âu, khu vực mà Ý vẫn đòi hỏi phải là phạm vi ảnh hưởng độc quyền của mình. Ba ngày sau Mussolini ra lệnh tổ chức một cuộc họp tại Roma để thảo luận về cuộc xâm chiếm Hy Lạp. Chỉ có người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu, Thống chế Pietro Badoglio lên tiếng phản đối, viện dẫn rằng cần phải tổ chức một lực lượng ít nhất 20 sư đoàn trước cuộc chiến, nhưng tư lệnh tại Albania là trung tướng Sebastiano Visconti Prasca lại cho rằng lực lượng đó chỉ cần đến sau khi giai đoạn một của cuộc tiến công (đánh chiếm Epirus) đã hoàn tất, và kết luận ban đầu là chỉ cần 3 sư đoàn. Mussolini còn nhận được sự đảm bảo của ban tham mưu rằng cuộc chiến tại Hy Lạp sẽ là một chiến dịch chỉ kéo dài 2 tuần lễ. Sự tự tin thái quá này giải thích tại sao Mussolini lại nghĩ rằng ông ta có thể để 300.000 quân và 600.000 lính dự bị ở trong nước làm việc thu hoạch mùa màng ngay trước cuộc xâm lăng.[19] Trong số 1.750 xe tải được cho là đang ở Hy Lạp thì chỉ có 107 chiếc là có mặt. Số lượng các sư đoàn cũng là phóng đại vì Mussolini đã thay đổi quy mô các sư đoàn từ 3 lữ đoàn xuống còn 2 lữ đoàn. Trên thực tế, trung tướng Visconti Prasca biết rằng ông ta sẽ mất chức chỉ huy nếu có hơn 5 sư đoàn được điều đến nên đã thuyết phục Mussolini rằng ông ta chỉ cần tối đa 5 sư đoàn.[20]

Bộ trưởng Ngoại giao Galeazzo Ciano (người đã nói rằng ông ta có thể dựa vào sự hỗ trợ của nhiều nhân vật Hy Lạp, vốn dễ dàng bị mua chuộc) được giao cho nhiệm vụ tìm ra một cái cớ để gây chiến.[21] Trong tuần tiếp theo Quốc vương Boris III của Bulgaria đã được mời tham gia vào hành động sắp tới chống lại Hy Lạp, nhưng ông từ chối.

Một chiến dịch tuyên truyền chống lại Hy Lạp đã được tiến hành tại Ý, và những hành vi khiêu khích liên tục diễn ra, như việc do thám hàng không các vùng lãnh thổ Hy Lạp và những cuộc tấn công bằng máy bay vào tàu thuyền của Hy Lạp, đã lên đến đỉnh điểm khi chiếc tàu ngầm Delfino của Ý phóng thủy lôi đánh chìm tuần dương hạm hạng nhẹ Elli tại cảng Tinos ngày 15 tháng 8 năm 1940 (ngày lễ tôn giáo Đức Mẹ truyền thống của Hy Lạp). Mặc dù có những bằng chứng không thể phủ nhận về trách nhiệm của người Ý, rằng đây là mệnh lệnh trực tiếp của Mussolini trong một bức thư viết tay gửi cho Đô đốc Cavagnari, tham mưu trưởng Hải quân Ý, nhưng chính phủ Hy Lạp đã thông báo lại rằng cuộc tấn công được thực hiện bởi một tàu ngầm "không rõ quốc tịch", và Ý cũng bác bỏ lời cáo buộc về việc họ đã tấn công một quốc gia trung lập.[22] Nhưng dù vẻ ngoài trung lập được duy trì như vậy, dân chúng vẫn biết rõ được ai là thủ phạm thực sự (họ buộc tội cho Mussolini và Bộ trưởng Ngoại giao Ciano)[23].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Hy_Lạp-Ý http://www.comandosupremo.com/Greece1940.html http://www.comandosupremo.com/ItalianArmy3.html http://books.google.com/books?id=FNjxX7uZYQEC http://books.google.com/books?id=P-MiG9ngCp8C http://books.google.com/books?id=QOlmAAAAMAAJ&q= http://www.inilossum.com/2gue_HTML/2guerra1940-12A... http://metaxas-project.com/features/winterwar/ http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,7... http://pheidias.antibaro.gr/1940.htm http://books.google.gr/books?id=B0YC55a-GTEC